Việc nuôi dạy những đứa trẻ đôi khi trở thành một nhiệm vụ đầy khó khăn với nhiều thách thức. Thế nên việc học hỏi kinh nghiệm dạy con từ những bà mẹ nổi tiếng với những phương pháp dạy con hiệu quả là một điều mà bạn không nên bỏ qua.
Anna Bykova, tác giả cuốn sách Một đứa trẻ độc lập hay làm thế nào để trở thành một bà mẹ lười biếng? (An Independent Child or How to Become “A Lazy” Mother) tự nhận mình là bà mẹ lười biếng và chị không xấu hổ về điều này. Hơn nữa, nhà tâm lý học và tác giả của một số cuốn sách bán chạy này thậm chí còn tự hào cho rằng một bà mẹ lười biếng có thể mang lại cho con cơ hội tự học hỏi để tự lập và trưởng thành tốt hơn.
Thực tế, bạn cần hiểu rằng sự lười biếng của Anna không có nghĩa là chị chẳng làm gì cả mà là giả vờ lười biếng để không phải làm mọi thứ cho con, cho con cơ hội được tự mình làm nhiều việc. Chẳng hạn như, sẽ tốt hơn nếu bạn để đứa con 7 tuổi của mình tự làm trứng ốp la cho bữa sáng hay tự pha nước cam để cải thiện kỹ năng vận động tinh của con. Việc sau đó của bạn là lau sạch bếp, rửa chảo, chén đĩa, dụng cụ vắt cam… nhưng không để trẻ nhìn thấy.
Đồng quan điểm với tác giả Anna, ở Việt Nam có chị Thu Hà (Mẹ Xu Sim), tác giả của cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết. Cuốn sách chia sẻ về kinh nghiệm dạy con tư lập của chị nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, trở thành một trong những sách dạy con bán chạy hiện nay tại Việt Nam.
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về kinh nghiệm dạy con của “các bà mẹ lười biếng” để cuộc sống của các ông bố, bà mẹ trở nên tự do hơn.
Tập cho con sử dụng bô
Con bạn đã hơn 2 tuổi nhưng không muốn ngồi bô mỗi khi đi vệ sinh. Do đó, bạn đang tìm cách tập cho bé ngồi bô. Thực tế, việc tập cho con sử dụng bô mỗi khi cần đi vệ sinh là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Để có thể tập cho bé ngồi bô, bạn nên:
- Hãy mua cho bé chiếc bô có màu sắc hay hình con vật mà bé yêu thích.
- Bạn hãy ngồi lên bô hoặc nhờ anh chị của bé hay trẻ nhà hàng xóm ngồi lên bô cho bé thấy việc ngồi bô không có gì đáng sợ.
- Cần lưu ý là bô phải luôn để ở cùng một nơi mà trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy, đặc biệt là bạn không bao giờ được ép trẻ ngồi bô nếu bé không thích hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận việc này.
- Khi bắt đầu tập luyện, hãy luôn cổ vũ và khen ngợi con mỗi khi bé ngồi bô. Đừng la mắng con khi bé bỏ một món đồ nào đó hay đồ chơi vào trong bô hay bé ngồi bô nhưng không chịu cởi quần ra.
- Bạn cũng có thể thử đặt một con gấu bông lên bô và kể những câu chuyện về các nhân vật luôn ngồi bô khi muốn đi vệ sinh để quần áo được sạch sẽ.
Và bây giờ việc của bạn là chờ đợi mà thôi. Chúng tôi tin rằng với những cách trên, bé cưng nhà bạn vui vẻ ngồi bô mỗi khi đi muốn đi vệ sinh sẽ diễn ra trong một ngày không xa.
Giữ các vật nguy hiểm ngoài tầm tay của trẻ
Hãy giấu hoặc cất những vật dụng có nguy cơ khiến trẻ bị thương như: dao, kéo, nĩa, đũa, bút chì, thuốc… ở xa tầm tay trẻ.
Kéo, dao… là những vật dụng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu con bạn muốn chạm vào chúng hay muốn bắt chước bạn sử dụng chúng, hãy cho bé làm điều đó dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của bạn. Việc cấm trẻ đụng vào một món đồ có nguy cơ gây nguy hiểm chỉ khiến trẻ thêm tò mò. Thế nên, chúng sẽ làm điều này khi không có bạn.
Do đó, hãy hướng dẫn con sử dụng các vật dụng này một cách an toàn. Điều này tốt cho sự phát triển của con còn bạn thì thảnh thơi làm việc của mình mà không lo con gặp nguy hiểm.
Giúp trẻ trấn tĩnh khi giận dữ
Khi con bạn giận dữ vì một điều gì đó, hãy làm cho bé bị xao nhãng bằng việc chỉ cho trẻ thấy một điều gì đó đang diễn ra và rủ trẻ cùng làm điều ấy (nếu có thể).
Khi cùng trẻ ra ngoài, bạn nên mang theo vài quả bóng bay, nếu trẻ giận dữ, khóc lóc, bạn có thể thổi bóng và đưa cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo vài món đồ chơi nhỏ không đắt tiền để có thể làm xao nhãng bé khỏi cơn giận dữ.
Nếu những cách làm trên không mang lại hiệu quả, bạn có thể áp dụng các mẹo sau:
• Hãy giúp trẻ xây dựng thói quen lấy lại bình tĩnh: Thực tế là mỗi một gia đình sẽ có một thói quen giữ bình tĩnh theo một cách riêng. Bạn có thể giúp bé trấn tĩnh, làm dịu cơn giận của con bằng cách ôm và vỗ về bé, lau mặt cho con để bé có thể trấn tĩnh lại…
• Làm ngơ trước hành vi giận dữ này của trẻ: Nếu bạn đã thử các cách kể trên nhưng không hiệu quả và bé không có rủi ro về sức khỏe nào (như động kinh hay hen suyễn), bạn có thể để trẻ một mình la hét vì giận dữ hoặc khóc lóc đến chán thì thôi. Lưu ý là bạn có thể để mặc con khi chúng giận dữ nhưng tuyệt đối không mắng con hoặc nhốt chúng một mình trong phòng. Trước khi làm ngơ với hành vi này của trẻ, bạn hãy chia sẻ suy nghĩ của mình với con bằng cách nói cho chúng biết, kiểu như: Mẹ nghĩ là lúc này con chỉ muốn khóc. Khi nào con khóc xong thì nói cho mẹ biết nhé.
Ngoài ra, có một điều mà bạn nên lưu tâm, là nếu đã đến giờ ăn nhưng bé vẫn mải chơi không chịu ăn, hãy đề nghị bé cho đồ chơi được nghỉ ngơi hoặc cho chúng đi ăn. Ví dụ: Nếu bé đang chơi trò xây dựng, bạn hãy thông báo cho bé biết rằng đội xây dựng đã đến giờ nghỉ trưa và bé nên đi ăn trưa để chiều có sức làm việc tiếp. Hãy cố gắng nói sao cho bé hiểu được ý muốn của bạn thay vì ra lệnh.
Kinh nghiệm nuôi con lười ăn
Nếu con bạn là một đứa trẻ lười ăn, ngay trong bữa ăn tới, bạn hãy thử quên cho bé ăn. Bạn sẽ ngạc nhiên về điều này: Bé sẽ bám lấy bạn và mè nheo để được ăn khi quá giờ ăn một chút. Thực tế, việc tiêu thụ thực phẩm là nhu cầu cơ bản của con người nên không có đứa trẻ nào lại tự bỏ đói bản thân mình khi bao tử đang kêu réo vì đói.
Có thể bạn không tin nhưng thực tế là chính trẻ mới là người biết rõ nhất khi nào nên ăn và ăn lượng thức ăn là bao nhiêu. Bạn thấy đấy, không ai có thể ép bạn ăn trừ khi bạn đói hoặc thực sự muốn ăn và trẻ cũng thế.
Do đó, nếu bé lười ăn, bạn nên:
- Nấu cho con ăn những món ăn đa dạng, nhiều màu sắc và tuyệt đối không cố gắng thuyết phục hay ép bé ăn. Hãy cho con cơ hội được thực sự đói. Việc trẻ ăn khi được kích thích bằng sự thèm ăn luôn tốt hơn nếu điều này gắn liền với những cảm xúc tích cực.
- Nếu bé đã lớn, bạn hãy rủ con cùng đi chọn mua thực phẩm và vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Điều này tạo cho con cơ hội được tiếp xúc với các thực phẩm tươi ngon, thử các nguyên liệu khác nhau. Việc này phần nào giúp kích thích vị giác ở trẻ, giúp trẻ bớt biếng ăn.
- Nếu bạn muốn con bạn ăn nhiều hơn lượng thức ăn mà cơ thể con cần thì hãy suy nghĩ lại. Mỗi trẻ có một nhu cầu ăn uống riêng và có một kênh phát triển riêng. Do đó, bạn không thể lấy khuôn mẫu là nhu cầu ăn uống hay sự phát triển của anh chị của bé hay con nhà hàng xóm để áp đặt cho bé. Đừng ép trẻ ăn khi chúng không muốn bởi điều này chỉ khiến trẻ nảy sinh xu hướng xem việc ăn uống là kẻ thù mà thôi. Ngoài ra, việc nuôi con bằng vũ lực không phải là cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của cha mẹ.
Kích thích sự thèm ăn của con
Mấu chốt trong việc kích thích sự thèm ăn ở trẻ biếng ăn là đảm bảo trẻ không ăn vặt bất cứ món gì giữa các bữa ăn. Do đó, bạn không nên mua nhiều đồ ăn vặt rồi chất đống trong nhà tạo cơ hội cho trẻ có thể ăn bất cứ lúc nào. Các món ăn vặt tuy ngon miệng, hấp dẫn nhưng nghèo dưỡng chất, không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Ngoài ra, bạn nên:
- Cố gắng tránh không cho trẻ sử dụng các sản phẩm có chứa chất phụ gia và hương vị nhân tạo. Nguyên do là nếu trẻ đã quen với những thực phẩm này thì mùi vị những món ăn lành mạnh mà bạn nấu sẽ không hấp dẫn trẻ nữa.
- Cho trẻ ăn ít đồ ngọt, hạn chế tối đa việc trẻ tiêu thụ nước ngọt.
- Tạo cơ hội cho trẻ vận động thay vì ngồi lỳ trước màn hình tivi hay chơi game. Các hoạt động thể chất mà con có thể chơi như đi bộ, nhảy dây, đạp xe… hay chỉ đơn giản là chơi với trẻ hàng xóm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tích cực đến sự thèm ăn của trẻ mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động một cách hiệu quả.
Cho con đi ngủ
Con bạn có thể gặp khó khăn trong việc đi ngủ vì bé đã quen với việc khóc lóc mỗi khi phải đi ngủ. Đơn giản vì trẻ đã quen với việc xem giấc ngủ là một hình phạt hoặc chúng không muốn đi ngủ vào khung giờ mà bạn đã định ra.
Do đó, bạn có thể xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ cho bé bằng các phương pháp sau:
- Liệu pháp định hướng cơ thể: Bạn hãy ngồi trên ghế cạnh giường của con, đặt một tay lên đùi con, nhẹ nhàng cố định chân của bé, tay còn lại bạn đặt lên vai bé. Sau đó, bạn thực hiện những động tác lắc lư thật nhẹ nhàng hoặc vỗ nhè nhẹ lên mông bé. Kỹ thuật này giúp bé đạt được sự thư giãn cơ bắp, cũng như làm dịu hệ thống thần kinh.
- Bắt chước hơi thở của con: Trong khi đặt tay lên cơ thể của con, bạn cố gắng cảm nhận hơi thở của bé và bắt chước hơi thở của con. Điều này giúp bạn dần thở sâu hơn. Trong khi đó, bạn vẫn vỗ về hoặc lắc lư bé nhè nhẹ. Nhờ thở sâu và chuyển động lắc lư nhẹ nhàng, trẻ có thể ngủ thiếp đi nhanh chóng.
- Đọc cho trẻ nghe sách có nội dung giúp ru ngủ: Bạn có thể chọn những cuốn sách có nội dung có tính chất vỗ về giấc ngủ. Khi đọc sách cho bé nghe, bạn có thể chèn các câu có tính chất thư giãn, vỗ về giấc ngủ như: Sau đó, chú gấu nói… Tôi sẽ ngồi trên gốc cây… Ăn chiếc bánh của tôi… Nằm trên cỏ… Ngủ trưa… Một điều cần lưu ý là bạn hãy đọc thật chậm khi thở ra, tạm dừng để hơi thở của bạn trở nên nhịp nhàng và dần dần đọc chậm lại. Nếu bạn làm đúng, bạn sẽ thấy hơi thở của bé chậm lại, bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Xây dựng thói quen cho trẻ ngủ một mình
Với các bà mẹ Việt, việc cho trẻ ngủ một mình là một điều có vẻ khó khăn và có hơi chút tàn nhẫn. Tuy nhiên, trẻ không thể ngủ chung mãi với bạn được. Bạn có nhận thấy việc cho trẻ ngủ chung gây ra rất nhiều bất tiện không. Do đó, nếu muốn tập cho bé ngủ riêng, bạn nên:
Khi cho trẻ ngủ riêng, bạn nên đặt trên giường của bé món đồ chơi mà bé yêu thích và thường hay ôm khi ngủ. Điều này giúp con dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Vào thời gian đầu khi mới cho con ngủ riêng, bạn hay chồng bạn nên ngủ cùng bé. Việc này giúp con quen với chiếc giường mới cùng với ba/mẹ. Sau một thời gian, trẻ sẽ sẵn sàng ngủ một mình.
Khi chuẩn bị cho bé ngủ riêng, bạn nên sắm cho bé những tấm drap, vỏ gối, chăn mền có hình những nhân vật hoạt hình mà con yêu thích. Ngoài ra, bạn có thể gắn trên tường hay trần nhà những ngôi sao có thể tự phát sáng trong đêm tối hay đèn ngủ dễ thương… để tạo hứng khởi cho bé.